Chào mừng bạn đến thăm Y KHOA VIỄN XỨ !

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

HỘI CHỨNG NGÓN TAY BẬT

http://www.mdguidelines.com/images/Illustrations/trig_fin.jpg
Vị trí bị bệnh của hội chứng ngón tay bật
    Buổi sáng đẹp trời nào đó bạn thức dậy sau một đêm ngủ ngon giấc, bạn làm một vài động tác thể dục, bạn nắm bàn tay lại và xoè bàn tay ra. Tất cả các ngón  đều duỗi thẳng nhưng trừ một ngón ngoan cố  vẫn cứ co gập lại dù bạn đã duỗi ngón tay thật mạnh. Bạn thử nắm các ngón tay lại và duỗi các ngón tay ra vẫn như cũ, tên ngoan cố kia không có vẻ gì là theo ý muốn của bạn. Bạn đành phải dùng sức kéo thẳng nó ra, kết quả là bạn thành công: ngón tay duỗi thẳng kèm theo một tiếng "bực" và một cơn đau.

MỘT NGÓN TAY NGOAN CỐ KHÔNG CHỊU DUỖI THẲNG
 SAU KHI BẠN GẬP CÁC NGÓN TAY VÀ DUỖI RA 
    Một ngày nào đó bạn đi chợ và xách về một giỏ thức ăn không nặng lắm. Khi bạn bỏ giỏ thức ăn ra thì kỳ lạ thay trong bàn tay của bạn có một ngón tay cứ mãi co quắp nhất định không chịu bỏ giỏ xách ra. Bạn giật mạnh ngón tay kêu " cụp" và đau buốt trước khi nó chịu thua bạn.
    Những dấu hiệu trên nằm trong một bệnh cảnh mà y học gọi là hội chứng ngón tay bật hoặc ngón tay cò súng. Thuật ngữ này chẳng liên quan gì đến chiến tranh hay hình sự  mà chỉ để mô tả tư thế co quắp của ngón tay do các rối loạn về hệ thống dây chằng và gân cơ gây ra.
1. Cấu trúc giải phẫu liên quan đến hội chứng
    Ngón tay muốn cử động co duỗi phải nhờ đến các gân gập ở mặt lòng và các gân duỗi ở mặt lưng ngón tay. Các gân này bám vào xương các đốt ngón và di chuyển tới lui nhờ sự co rút của các cơ nằm ở cẳng tay. Mỗi ngón tay dài có 2 gận gập: gân sâu bám vào đốt cuối ngón làm cả ngón tay gập, gân nông bám vào đốt giữa  làm gập khớp liên đốt gần giữa đốt I và đốt II, cón ngón tay cái chỉ có một gân gập dài.
    Để cho sự di động của ngón tay hiệu quả và nhẹ nhàng không ma sát, thiên nhiên đã cho các gân gập nằm trong 2 lớp bao: lớp bao xơ ở bên ngoài chịu đựng va chạm tốt và được tăng cường bởi các dây chằng vòng, dây chằng chéo tạo thành một ống bao xơ. Lớp bao hoạt dịch bên trong có chứa chất dịch giúp gân trượt trong bao dễ dàng. Gân gập nằm trong ống bao gân này không thể bị trật vị trí ra bên ngoài được nhờ vào cấu tạo chắc chắn của các dây chằng.
http://www.handsurgerynyc.com/images/trigger_finger_01.jpg
Figure 1:  Hình ảnh giải phẫu của gân và bao gân bình thường.

Trigger Finger Treatment Manhattan | Trigger Finger Treatment New York City

Hình ảnh giải phẫu của gân và bao gân bị ngón tay bật
    Dây chằng ở cao nhất là dây chằng vòng có ký hiệu A1 nằm gần khớp nối bàn tay và xương đốt ngón I, được coi như một miệng hầm đường bộ chui dưới đèo, chịu trách nhiệm chính hướng dẫn sự di chuyển của gân gập và chịu đựng sự ma sát nhiều nhất. Trong trường hợp bệnh lý thì dây chằng vòng dầy lên làm miệng hầm nhỏ lại hoặc gân gập to lên thì cử động gập duỗi ngón tay bị trở ngại, sẽ vướng. 
2. Tại sao xảy ra hội chứng ngón tay bật ?
    Có nhiều nguyên nhân làm xuất hiện ngón tay bật nhưng thường nhất là một tình trạng viêm đặc biệt  của cơ quan vận động được gọi là viêm gân - bao gân gây ra do các chấn thương nhẹ liên tục kéo dài, thấp khớp, nhiễm trùng hoặc rối loạn biến dưỡng...Các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn như: di truyền, bẩm sinh. 
3. Ai có thể bị hội chứng ngón tay bật ?
    Mọi người ai cũng có thể bị ngón tay bật nhưng thường nhất là phái nữ trên 40 tuổi, phái nam ít hơn và một số là trẻ sơ sinh. Đồng thời hội chứng ngón tay bật cũng thường gặp ở những người đã bị hội chứng ống cổ tay, hội chứng De Quervain, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường. Một bệnh nhân có thể bị hội chứng này ở nhiều ngón tay của một bàn tay hoặc cả hai bàn tay. 
4. Các dấu hiệu lâm sàng ra sao ?
    Dấu hiệu chính là ngón tay bị vướng khi cử động gập duỗi. Khi ngón tay ở tư thế duỗi thẳng thì bệnh nhân khó co gập lại và khi ngón tay đang co lại thì bệnh nhân khó duỗi thẳng ra. Khi cố ý bẻ cho ngón tay thẳng ra thì rất đau  và lúc thẳng ra được thì bệnh nhân có thể nghe một tiếng kêu, đó chính là lúc gân gập vượt qua được miệng hầm hẹp. Bệnh nhân cũng có thể nhận thấy một khối nhỏ nằm trên đường gân gập gần khớp bàn đốt và ấn mạnh thì đau.
    Tuy nhiên trong giai đoạn đầu bệnh nhân có thể cảm nhận các dấu hiệu nhẹ hơn của hội chứng ngón tay bật là đau nhẹ ở đáy các ngón tay khi gập duỗi, cử động hơi vướng vào buổi sáng lúc thức dậy.
    Ở trẻ sơ sinh rất khó nhận biết các dấu hiệu. Trong một lúc tình cờ nào đó người mẹ hay người thân nhận thấy đốt cuối của ngón cái  bị gập lúc cháu xòe thẳng các ngón tay, khi bẻ gập ngón tay cái của cháu thì đốt cuối lại thẳng ra và sờ được một khối nhỏ trên đường gân gập ở đáy đốt 1. 
5. Chẩn đoán ra sao ?
    Chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng là chính nhưng đôi khi cũng cần làm thêm x-quang, siêu âm, xét nghiệm để loại trừ các tình trạng xương khớp khác như cứng khớp, tổn thương xương, khối u... 
6. Điều trị như thế nào ?
    Có hai cách điều trị tùy theo mức độ vướng của gân gập:
    Mức độn nhẹ thì dùng thuốc kháng viêm, tiêm thuốc Steroid tại chỗ và làm nẹp bất động tạm ngón tay để tránh đau khi cử động. Không dùng Steroid khi bệnh nhân có bệnh tiểu đường.
    Mức độ nặng hơn hoặc khi dùng thuốc không hiệu quả thì cần phẫu thuật để cắt dây chằng vòng A1 mở rộng miệng hầm. Đường mổ rất ngắn ở trước gốc ngón tay và gần khớp bàn đốt chỉ để lại một vết sẹo nhỏ khó thấy.
    Đối với trường hợp bẩm sinh thì nhiều phẫu thuật viên chỉ mổ sau một tuổi vì hơn 30% các cháu bé sẽ trở lại bình thường trước 1 năm.
    Đối với người lớn nếu điều trị chậm hoặc không điều trị thì ngoài sự đau nhức các cử động của ngón tay sẽ khó khăn thêm và cuối cùng cử động gập - duỗi sẽ mất, ngón tay cứng ở tư thế thẳng hay gập.
Bs Võ Văn Châu

1 nhận xét:

Unknown nói...

Ai cho minh xin dua chi voi. Con trai cua minh cung bi nhuvay nhung di kham va chụp xquang deu ket luan là binh thuong. Mong dc giúp do

Đăng nhận xét