Chào mừng bạn đến thăm Y KHOA VIỄN XỨ !

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

TÌM HIỂU VỀ U NÃO

                    BS. LÊ ĐIỀN NHI
              Bộ môn Ngoại Thần kinh
Đại học Y  khoa Phạm  Ngọc Thạch.TP.HCM
          Hệ thần kinh là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể con người, bao gồm cả não bộ, tủy sống và hệ thần kinh ngoại biên.  Đây là bộ chỉ huy điều khiển mọi hoạt động, suy nghĩ của ta trong cuộc sống hàng ngày. Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, trong quá trình phát triển, hệ thần kinh có thể tạo ra những bất thường gây nên ung bướu trong số đó u não chiếm một tỉ lệ đáng kể. Tìm hiểu về u não giúp chúng ta biết được các triệu chứng của loại bệnh lý nầy, nhờ đó có thể giúp chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
U NÃO LÀ GÌ ?
          Từ ngữ “ U não” thường được dùng bao gồm các u nguyên phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau như từ mô não, các màng não, các dây thần kinh sọ, các mạch máu, tuyến yên và các u não thứ phát do ung thư  nơi khác di căn đến não.
          U não được gọi tên tùy theo tế bào xuất nguồn gây ra khối u, thí dụ nếu khối u nguyên phát phát sinh từ tế bào màng nhện thì ta gọi là u màng não, nếu khối u phát sinh từ các tế bào thuộc mô đệm của hệ thần kinh thì ta gọi là u thần kinh đệm, nếu khối u có các tế bào xuất nguồn từ dây thần kinh thì gọi là u dây thần kinh, thí dụ u dây thần kinh thính giác.
                                                            U màng não                
 
Hình 1,2: U màng não
U thần kinh đệm ác tính ( Glioblastoma multiforme)
 
                                     Hình 3,4 : U thần kinh đệm ác tính
          Theo Tổ chức Y tế thế giới, xuất độ của u não ở người lớn như sau : 
-    U não thứ phát : chiếm 25 -30% số u trong sọ, thường là di căn của ung thư từ nơi khác đến não, đặc biệt là các carcinom của phế quản và carcinom vú, ngoài ra còn có carcinom của thận, của ống tiêu hoá. Tổn thương thường có nhiều ổ ở bán cầu đại não, tiểu não, thân não, màng não.
-    U não nguyên phát :  chiếm 70 -75% số u trong sọ.
Tại Mỹ, trong thập niên 90, mỗi năm có 385.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có 50.000 trường hợp tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, trong số nầy có 8.500 trường hợp u nguyên phát của mô não.
Tại Việt nam chưa có con số thống kê quốc gia về loại bệnh nầy mà chỉ có thống kê của từng khu vực. Theo sơ kết điều trị phẫu thuật u não của khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Nhân dân 115, TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1993 đến năm 2000 có 251 u não được mổ, trong đó có 55 u màng não.
TRIỆU CHỨNG NÀO GIÚP PHÁT HIỆN U NÃO ?
Các u não nói chung có thể gây ra hai loại triệu chứng :
·     Hội chứng tăng áp lực trong sọ
·     Các triệu chứng thần kinh khu trú tuỳ theo vị trí giải phẫu của khối u.
v           Hội chứng tăng áp lực trong sọ (TALTS) :
Các triệu chứng chính gồm có : nhức đầu, nôn mửa, phù gai thị giác về sau thường gây ra giảm thị lực, động kinh, tâm thần trì trệ.
1- Nhức đầu : thường lan toả, âm ỉ, nhức về buổi sáng sớm nhiều hơn, mỗi khi đau nhiều thường kèm theo buồn nôn hoặc nôn. Thuốc giảm đau thông thường có tác dụng ở giai đoạn ban đầu nhưng về sau khi u lớn lên ít còn có tác dụng nữa.
2- Nôn mửa : lúc đầu bệnh nhân chỉ buồn nôn khi nhức đầu tăng, về sau nôn thường xuyên hơn và có thể ói vọt, ói thường xảy ra buổi sáng, khi bụng còn rỗng, không có dấu hiệu báo trước, sau khi ói xong có cảm giác bớt nhức đầu.
3- Phù gai thị giác : do rối loạn huyết động học gây nên bởi áp lực trong sọ tăng quá cao, về sau có thể đưa đến xuất tiết, xuất huyết ở gai thị và ở võng mạc. Muốn chẩn đoán phải dùng đèn soi đáy mắt. Thị lực bệnh nhân cũng sẽ giảm dần.
4- Động kinh : do khối u kích thích trực tiếp vào vỏ não hoặc do ảnh hưởng áp lực cao trong sọ.
5- Các rối loạn về tâm thần : bệnh nhân trở nên lãnh đạm, thờ ơ, trí nhớ giảm dần. Ở giai đoạn nặng bệnh nhân trở nên kém tỉnh táo, tri giác giảm, cuối cùng có thể đi vào hôn mê.
                
       H.5: Nhức đầu              H.6 : Buồn nôn, ói       H.7 : Động kinh       H.8 : Liệt hay yếu
                                                                                một bênngười.
                                                                                               Mất cân bằng, mất phối hợp
         
                H.9 : Đáy mắt bình thường                              H.10 : Đáy mắt bị phù gai thị giác
v     Các triệu chứng thần kinh khu trú :
Các triệu chứng thần kinh khu trú có thể là biểu hiện giảm chức năng ( yếu hay liệt nửa người ) hoặc do kích thích các nơron  ( động kinh cục bộ, động kinh cơn toàn thể …). Tùy theo vị trí của u ở những thùy não khác nhau ta có thể thấy những triệu chứng có giá trị chỉ điểm, thí dụ u não nằm ở ngay vùng vận động của vỏ não thì có thể xuất hiện sớm các dấu hiệu thiếu sót về vận động như yếu hay liệt nửa người.
          Các triệu chứng lâm sàng của u não thường xuất hiện rời rạc chớ ít khi đầy đủ cùng một lúc làm dễ lầm lẫn với các loại bệnh khác. Tuy nhiên khi thấy có một số triệu chứng bất thường như nhức đầu kéo dài nhiều ngày mà không tìm thấy nguyên nhân rõ rệt như cảm sốt, viêm mũi, viêm xoang, lại có nôn ói, động kinh thì chúng ta phải đi khám bệnh để người thầy thuốc, nhất là các thầy thuốc chuyên khoa nội và ngoại thần kinh tìm cách chẩn đoán sớm. Người thầy thuốc thần kinh thường phải khám đi khám lại nhiều lần  ở những thời điểm khác nhau, điều quan trọng là phải nghĩ  đến bệnh, truy tìm và tập hợp các triệu chứng lại, có khi phải thực hiện thật sớm các xét nghiệm về hình ảnh học mới chẩn đoán được các u não.
          Một số bệnh nhân đến khám bệnh muộn, khi khối u quá lớn gây triệu chứng chèn ép các cấu trúc quan trọng trong não thì phẫu thuật gặp nhiều khó khăn và cũng dễ xảy ra nhiều biến chứng.
XÉT NGHIỆM NÀO GIÚP CHẨN ĐOÁN U NÃO ?
          Hình ảnh học , đặc biệt là chụp cắt lớp điện toán ( CT-Scanner ) và Cộng hưởng từ ( M.R.I. : Magnetic Resonance Imaging) giúp chẩn đoán được u não. Đặc biệt cộng hưởng từ nhờ chụp được nhiều mặt cắt khác nhau  ( mặt cắt dọc, mặt cắt trán)  giúp cho phẫu thuật viên có thể tính toán thuận lợi và chính xác đường vào đến khối u. Ngoài ra chụp mạch máu não mã hóa            ( D.S.A : Digital Subtraction Angiography) còn giúp thấy được các cấu trúc mạch máu xung quanh u não, từ đó giúp  có biện pháp dự phòng trước khi mổ  như làm tắc bớt mạch máu nuôi u, chuẩn bị máu trước khi mổ ..v.v.
Hình 11,12,13 : Cộng hưởng từ ở nhiều mặt cắt khác nhau cho thấy rõ 1 u não cạnh đường giữa vùng trán sau trái ở 1 bệnh nhân nữ 58 tuổi , vào viện vì nhức đầu, động kinh cơn toàn thể. ( Tư liệu khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Nhân Dân 115, TP. Hồ Chí Minh )                                                                    
                                                                     Khối u
 
              Hình 11                                                            Hình  12
               Hình 13 :                                        Khối u não
- Sinh thiết u não bằng phương pháp “ Stereotaxy “ (Stereotactic Biopsy )
          Với các u não nằm sâu hoặc các u ở vị trí giải phẫu liên quan đến  các chức năng thần kinh cao cấp quan trọng thì có thể sinh thiết khối u bằng cách dùng phương pháp “ Stereotaxy”. Phương pháp nầy dùng 1 khung định vị 3 chiều trong không gian gắn vào đầu để dựa vào hình ảnh học ( CT hay MRI )  định vị trí khối u nằm sâu trong não. Phẫu thuật viên gây tê và khoan 1 lỗ sọ, sau đó đưa 1 kim vào đến khối u để hút tế bào u và gởi thử giải phẫu bệnh. Nhờ đó ta chẩn đoán xác định loại u não.
                       Hình 14 : Sinh thiết u não bằng phương pháp “ Stereotaxy “.
ĐIỀU TRỊ U NÃO :
          Điều trị u não thường có sự phối hợp phẫu thuật với xạ trị và hoá trị.
v     Điều trị ngoại khoa : Phẫu thuật nhằm xác định chẩn đoán mô học và lấy đi khối u não.
Trong phương pháp mổ kinh điển, sau khi mở sọ, tuỳ vị trí khối u nông hay sâu, có thể lấy nguyên khối u hoặc dùng kính hiển vi phẫu thuật cắt bỏ các u ở sâu, lấy từng miếng nhỏ, cầm máu cẩn thận.
    H. 15 : Phẫu thuật u não
                    Hình 16, 17 : Phẫu thuật lấy khối u não ( hình ảnh học ở hình 11 – 13 )
           Hình 16 : Khối u của bệnh nhân trên           Hình 17: Khối u sau khi lấy ra khỏi sọ
          đang được lấy dần dần ra.                          Kết quả giải phẫu bệnh: U màng não
                                                                           thể chuyển tiếp.
  
( Tư liệu Khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Nhân Dân 115, TP.Hồ Chí Minh ).
Trong những năm gần đây, nhiều trung tâm Phẫu thuật Thần kinh  lớn trên thế giới còn áp dụng kỹ thuật “ Neuronavigation” với những phương tiện và dụng cụ tinh vi hướng dẫn phẫu thuật viên tìm và lấy u não chính xác hơn.
Nguy cơ và biến chứng sau khi mổ : gồm có chảy máu, nhiễm trùng, phù não, động kinh và rối loạn chức năng não bộ.
Sau mổ bệnh nhân được tập Vật lý trị liệu ( tập vận động, tập đi, tập nói ...) để trở về sinh hoạt hàng ngày.
Nếu u não lành tính và được cắt bỏ hết hoàn toàn thì không cần đến hoá trị và xạ trị. Ngược lại, nếu kết quả giải phẫu bệnh là u não ác tính thì việc điều trị xạ hay hoá trị tiếp sau đó là rất cần thiết.
v     Xạ trị và hoá trị :
·           Xạ trị :
-         Xạ trị thông thường : dùng tia X chiếu vào khối u và các mô xung quanh. Điều trị thường từng đợt, ví dụ 5 ngày mỗi tuần trong 4 – 7 tuần lễ.
Các tác dụng phụ của xạ trị : mệt mõi, buồn nôn , nhức đầu, chóng mặt, động kinh, rụng tóc, sốt, nhiễm trùng, da bị kích thích gây khó chịu.
-         Dùng “ Con dao Gamma” ( Gamma knife ) :
Ngoài cách xạ trị thông thường, hiện nhiều nơi áp dụng kỹ thuật   “Con dao Gamma “ ( Gamma knife ) . Nguyên tắc của phương pháp nầy là dùng khung Leksell định vị thương tổn một cách chính xác, sau đó dùng nguồn năng lượng của Cobalt 60 chiếu đúng hướng vào thương tổn.
  Hình 18 : Gamma knife
                                         Hình 19 : Nguyên tắc của “Gamma knife”
Một kỹ thuật xạ trị khác là dùng máy “ gia tốc tuyến tính “   (Linear Accelerators – LINAC )  chiếu một chùm năng lượng phóng xạ mạnh vào một khu vực có kích thước rất nhỏ ở sâu.
·     Hoá trị : có thể dùng 1 loại thuốc hoặc phối hợp nhiều loại thuốc. Có thể phối hợp hoá trị với phẫu thuật và xạ trị. Vì hoá trị tác dụng trên tế bào bình thường cũng như trên tế bào ung thư nên rất thường có các tác dụng phụ như : mệt mõi do thiếu máu, buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, chóng mặt, rụng tóc, tiêu chảy, sốt, nhiễm trùng.
Hoá trị có thể dùng đường tiêm truyền hay dùng thuốc uống. Thường dùng từng đợt hoá trị, mỗi ngày 1 lần và thường đợt điều trị khoảng 3 tuần lễ. Sau đợt điều trị thường bệnh nhân được cho nghỉ ngơi độ 1 tuần lễ để cho cơ thể hồi phục.
Hoá chất đặc trị Carmustine ( BCNU) kết hợp với xạ trị hiện nay được xem là cho kết quả tốt với u thần kinh đệm ác tính.
Nhờ kết hợp phẫu thuật với xạ trị và hoá trị mà thời gian sống thêm của các bệnh nhân bị u não ác tính được kéo dài hơn.
          Tóm lại, nếu có thể phát hiện và chẩn đoán u não thật sớm khi khối u còn nhỏ thì việc điều trị có kết quả hơn.  Với các u não lành tính, lấy hết khối u sẽ giúp cho người bệnh mau chóng trở lại với đời sống và sinh hoạt bình thường.

Xem lớn Click vào đây!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét