Chào mừng bạn đến thăm Y KHOA VIỄN XỨ !

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Vi phẫu thuật Việt Nam-Một người thầy gắn bó với nghề (1)


      Qua 27 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Võ Văn Châu không thể nhớ chính xác số bệnh nhân mà ông đã mổ, ước chừng hơn 3.000người.  

    Hoài niệm về quá khứ, ông trăn trở: “Lần đầu tiên thế giới công bố vi phẫu vào những năm 1960, nhưng mãi đến cuối 1979, Việt Nam vẫn chưa có ai thực hiện được vi phẫu"
Bác sĩ Võ Văn Châu cùng học trò trong một ca vi phẫu.
    Năm 1981, trong một đêm trực tại Trung tâm Y tế Tân Bình TP HCM, bác sĩ Châu tiếp nhận một nữ công nhân bị đứt lìa ngón tay từ khu công nghiệp dệt chuyển tới. Dù xót xa cho bệnh nhân nhưng ông không có cách nào nối lại ngón tay cho cô gái.
    Ông đành khâu vết thương thành mõm cụt mà lòng quặn đau. Từ đó, ngày nào bác sĩ cũng tìm tài liệu nghiên cứu về thế giới vi phẫu.

    Một lần, thấy tạp chí nước ngoài hướng dẫn cách thực hiện vi phẫu trong chấn thương chỉnh hình do Giáo sư J.J.Comtet người Pháp viết, bác sĩ Châu muốn học hỏi nhưng lúc đó Việt Nam không có dụng cụ y khoa thực hiện vi phẫu. “Mục đích của vi phẫu là khâu nối những mạch máu nhỏ nên cần phải có kính hiển vi để phóng đại các mạch máu và kim chỉ tí hon để khâu vết thương”.

    Vì quá say sưa với nghề,  ông bí mật mua ống nhòm pháo binh về làm kính hiển vi. Năm 1982, lương bác sĩ chỉ có 60 đồng một tháng trong khi giá kim chỉ khâu là 17 USD (lúc đó 1 USD tương đương với 7.000 đồng). Vậy là “cái khó ló cái khôn”, ông nghĩ ra cách nhúng sợi chỉ chất liệu polyeste vào nước sôi sau đó kéo cho mảnh ra, xử lý kim tiêm cho ăn mòn điện phân để “biến thành” tí hon.

    Năm 1982, bác sĩ Châu bắt đầu nghiên cứu vi phẫu thuật mạch máu thần kinh đầu tiên tại Sài Gòn. Ngày 4/9/1987, ông được Nhà nước cấp bằng sáng chế quốc gia về sản xuất dụng cụ kim chỉ khâu vi phẫu.
    Để tạo bệ phóng cho ngành vi phẫu Việt Nam, ông lập và điều hành Đơn vị Vi phẫu và Khoa Vi phẫu đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM vào năm 1990 và 1997. Mạng lưới đào tạo các bác sĩ chuyên về vi phẫu do ông khởi động đã phát triển khắp cả nước và gần như tất cả các tỉnh miền Nam đều có người đến học. Từ đó, ông được coi là cha đẻ của ngành vi phẫu Việt Nam.  

    Nay ở tuổi nghỉ hưu, ông vẫn say nghề. Ngày nào, ông cũng tham gia nhiều ca vi phẫu, mạng thần kinh… cho nhiều bệnh nhân tại TP HCM. Những ngày cuối tuần, ông đến các tỉnh, thành để  hỗ trợ chuyên môn.

    Mỗi lần bác sĩ Châu khám bệnh là các bác sĩ trẻ ngồi xung quanh để nghe ông truyền “bí kíp” chẩn đoán. Lần ấy, bệnh nhân kêu đau nên không thể tự cởi áo, một bác sĩ trẻ định tới giúp, liền bị ông ngăn lại . Ông bảo: “Cứ để bệnh nhân cố vận động, vì phải thấy khả năng vận động của họ mới phát hiện được tổn thương ở vị trí nào”.
    Sau khi khám, ông hướng dẫn cho bệnh nhân cách sử dụng dụng cụ hỗ trợ phục hồi vết thương. Đồng nghiệp và những người học trò của ông nhận xét: ông có tính hài hước, tự tin nhưng làm việc nghiêm khắc.
    Nguyên tắc của bác sĩ Châu đề ra, trước lúc vi phẫu, các bác sĩ không được uống cà phê , sẽ bị run tay khi mổ. Ông khẳng định: một bác sĩ không thể theo vi phẫu nếu không có tính kiên nhẫn vì phải đứng suốt 8 giờ mổ cho bệnh nhân. Thậm chí, có ca, ông phải đứng suốt từ 6h tối ngày 30 Tết đến 6h sáng của năm mới.
 Nguyễn Văn Thanh          
(1): Tựa của ban quản trị mạng. Có thay đổi so với tựa đề ban đầu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét